Hướng dẫn ASUS ROG Ally, Hướng dẫn Steam Deck, PC Handheld series, Trên tay - Review
So sánh ASUS ROG ALLY vs STEAM DECK: Ai sẽ là người chiến thắng trong thị trường PC Handheld?
Thị trường PC Handheld cho đến hiện tại vẫn còn rất non trẻ, chỉ mới 2 năm đây thôi ông lớn Valve giới thiệu Steam Deck đã gây được tiếng vang, và mới đây nhất ASUS đã nhảy vào thị trường với ROG Ally. Vậy trong 2 năm ấy, hai tượng đài của thị trường PC Handheld hiện tại đã làm được những gì? Ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến này? Mình cũng may mắn có dịp trải nghiệm cả 2 chiếc máy Steam Deck và Asus ROG Ally, thế nên trong bài viết này, cùng mình đi tìm câu trả lời nhé!
Mục lục bài viết
Tham khảo sản phẩm ASUS ROG ALLY và STEAM DECK chính hãng tại đây:
Cảm giác cầm nắm, nút bấm
Hạng mục đầu tiên mà mình đưa lên bàn cân đó chính là cảm giác ngoại quan. Về phần này thì mình đánh giá Steam Deck cao hơn là đối thủ ASUS bởi mặc dù ngoại hình máy to và cồng kềnh hơn thế nhưng Steam Deck lại tận dụng không gian mặt trước rất tốt với các nút bấm, cần analog vừa tầm tay, và cảm giác bấm chắc chắn hơn, không rung lắc như Ally, điểm trừ mà mình có nhắc đến trong video đánh giá chi tiết vừa qua.
Bên cạnh đó là Steam Deck còn được trang bị bàn di chuột hai bên, một điểm rất giá trị trên chiếc máy nhà Valve, giúp bạn thao tác hệt như khi dùng laptop, hơn nữa hai Trackpad này còn được trang bị cảm biến phản hồi xúc giác rất chất lượng nên cá nhân mình rất ưng.
Một điểm nhỏ gỡ gạc lại cho ROG Ally đó là cảm giác cầm thoải mái hơn vì một phần là máy nhẹ hơn cũng như thiết kế công thái học hơn.
Chấm điểm: ASUS ROG Ally 0:1 Steam Deck
Màn hình
Về phần nhìn, màn hình của ASUS ROG Ally ghi điểm khi đặt cạnh Steam Deck với mọi thông số đều vượt trội. Với chiếc màn hình cảm ứng Full HD 1080p, dải màu 100% sRGB, tốc độ phản hồi 7ms, độ sáng 500 nits, trang bị công nghệ FreeSync Premium cùng tần số quét 120Hz mà ASUS trang bị cho ROG Ally, Mọi thứ hiển thị trên đó đều rất nét, rất sáng đẹp, hình ảnh hiển thị trong game đạt đến độ chân thực rất cao. Hơn nữa, Lớp phủ đặc biệt làm tăng khả năng chống trầy xước cho màn hình cũng như giảm thiểu tình trạng phản chiếu ánh sáng khi chơi game ngoài trời.
Còn về phần Steam Deck, do đã ra mắt cách đây 2 năm nên khó mà so bì được với đối thủ của mình với màn hình chỉ có độ phân giải 800p, tần số quét 60Hz cùng độ sáng tối đa 400 nits. Tuy vậy, nhờ đó mà màn hình của Steam Deck cũng phần nào ít ngốn pin hơn.
Chấm điểm: ASUS ROG Ally 1:1 Steam Deck
Cấu hình & Hiệu năng
Sinh sau đẻ muộn, nên tất nhiên về cấu hình thì ASUS ROG Ally có lợi thế hơn, đã vậy còn được sự hậu thuẫn của AMD làm riêng cho con chip Z1 và Z1 Extreme, tối ưu tốt cho các dòng PC Handheld như ROG Ally nữa, cùng với mức RAM 16GB, SSD 512GB siêu nhanh biến ROG Ally trở thành cỗ máy chơi game cầm tay mạnh mẽ nhất hiện nay, cân được mọi tựa game Triple A như The Witcher 3, GTA V, Forza Horizon 5, Marvel Spider-Man… Thực tế theo mình test thì ở chế độ Performance 15W, máy vẫn chạy tốt các game trên khoảng 30-40fps. Chuyển qua Turbo ngốn pin hơn nhưng đổi lại hiệu năng cao hơn khoảng 45-60fps rất ấn tượng.
Kể cả chạy giả lập Nintendo Switch, Android các kiểu , ASUS ROG Ally vẫn chạy khá tốt.
Tổng thể sức mạnh của ASUS ROG Ally nhanh hơn từ 20-30% so với Steam Deck, và khoảng cách này sẽ còn lớn hơn nữa khi ASUS ROG Ally có thể chạy ở mức công suất tối đa 30W ở chế độ Turbo, trong khi Steam Deck chỉ đạt mức 15W tối đa mà thôi.
Nếu test thực tế mà bạn không thấy sự khác biệt nhiều về mặt fps, hãy để ý rằng bạn có đang test game trên Steam Deck ở 720p so với 1080p của ASUS ROG Ally không nhé.
Bên cạnh đó còn một yếu tố mà mình muốn nhắc đến ở đây đó là cho đến hiện tại, ASUS vẫn liên tục tung ra các bản cập nhật BIOS mới để fix lỗi và cải thiện hiệu năng của máy, một hành động rất đáng hoan nghênh từ hãng.
Về phần Steam Deck, bởi vì chỉ được trang bị cấu hình của dòng PC Handheld đời đầu nên tỏ ra thua thiệt nhiều phần so với đối thủ. Mặc dù vậy thì Steam Deck vẫn làm tốt vai trò của mình nếu bạn không đặt nặng phần hiệu năng khi mua máy bởi Valve đã kiểm soát tốt mức tiêu thụ điện cho máy, và thực tế là không có máy nào quản lý hiệu năng ở mức 15W tốt hơn Steam Deck cả.
Chấm điểm: ASUS ROG Ally 2:1 Steam Deck
Hệ điều hành & Phần mềm
Một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa hai máy là ở hệ điều hành. Steam Deck sử dụng hệ điều hành SteamOS được tùy biến bởi Valve dựa trên nền Linux, trong khi ASUS ROG Ally được cài sẵn Windows 11 Home đã quá thân thuộc với nhiều người.
Vậy ưu và nhược điểm ở đây là gì? Câu trả lời còn tùy thuộc vào góc nhìn của anh em. Đối với Steam Deck, SteamOS cung cấp giao diện người dùng rất trực quan và dễ sử dụng, chạy nhanh, mượt mà, có những tối ưu riêng cho hệ máy cầm tay của họ, nhiều cài đặt hữu ích làm tăng trải nghiệm của máy, được liên kết sâu với nền tảng phân phối game trực tuyến là Steam. Nơi bạn dễ dàng mua sắm các tựa game mới, truy cập thư viện game đang có, quản lý tài khoản, liên kết với bạn bè… Và có hẳn giao diện desktop để vọc vạch, cài phần mềm các thứ khá thú vị.
Game bạn đang chơi giữa chừng và có việc bận cần sleep máy, khi chơi lại chỉ cần bật máy là có thể chơi tiếp. Khoản này khá tiện lợi so với các đối thủ PC handheld chạy Windows đấy.
Tuy nhiên quá trình sử dụng Steam Deck thì không phải là không có lỗi, lỗi bàn phím, lỗi tương thích, và cá nhân mình cũng có gặp một lỗi khá kì quặc liên quan đến EA app và cũng khá vất vả mới tìm được giải pháp. Và tất nhiên rồi, máy của Valve, ông chủ của Steam làm ra thì bạn chẳng thể chơi game được mua từ những nền tảng khác như Epic, EA, Xbox… Tuy nhiên, vẫn có cách để vượt rào và hẹn anh em vào một video hướng dẫn sau này.
Còn Windows 11 trên ASUS ROG Ally thì lại khác, hệ điều hành của Microsoft cung cấp trải nghiệm tối đa trên một chiếc máy PC Handheld. Bạn có thể làm mọi thứ như trên laptop, từ khả năng chơi game, cho đến cài các phần mềm để làm việc, hay lướt web, xem phim giải trí. Cá nhân mình cũng hay dùng ROG Ally để chỉnh sửa website, trả lời tin nhắn Youtube… . Xong việc lại bật game để chơi thôi, rất tiện lợi!
Anh em có thể chơi game từ bất kỳ nền tảng nào mình muốn, từ Steam cho đến Epic, Xbox, rồi là EA, GOG, Ubisoft… mà lại còn có thể truy cập vào các nền tảng này rất nhanh. Hoặc là kể cả chơi game thuốc cũng cài được tuốt 😀
Không những thế, Windows 11 mà ASUS đã cài trên ROG Ally là một phiên bản đã được tinh chỉnh nhằm tương thích tốt nhất với chiếc máy PC Handheld của hãng. Các driver cần thiết đã nhận đầy đủ, kết nối bàn phím chuột, tay cầm hay loa, tai nghe đều nhận nhanh chóng. Phần mềm Armoury Crate độc quyền của ASUS được tích hợp càng làm tăng thêm tính tùy biến cho máy, từ đó chúng ta được nâng cao trải nghiệm hơn. Nếu anh em quan tâm Armoury Crate có gì hay, có thể xem lại tại video hướng dẫn chi tiết dưới đây nhé:
Bảng Command Center để truy cập nhanh vào các tính năng cần thiết khi sử dụng. Mọi thứ đã được ASUS tính toán kỹ trước khi đưa máy ra thị trường.
Lỗi thì hầu hết đều là lỗi vặt mà thôi, không ảnh hưởng nhiều trong quá trình mình sử dụng. Chỉ có một trường hợp khó chịu là khi mình cập nhật Windows, máy lại dính một lỗi khởi động lại liên tục, chỉ đến khi mình update Windows lại lần nữa thì mới hết.
Ở mục này, cả hai hãng đều có những giá trị riêng mang đến cho người dùng nên mình tặng cho cả hai một điểm.
Chấm điểm: ASUS ROG Ally 3:2 Steam Deck
Thời lượng pin
Thực tế theo mình test thì thời lượng pin của hai máy có sự chênh lệch, và phần thắng thuộc về Steam Deck, nhưng không quá lớn. Ở mức 15W thì cả hai máy đủ khả năng chơi các game triple A trong khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng. Nếu Steam Deck chơi được 2 tiếng, thì ROG Ally cũng đạt khoảng 1 tiếng 30 phút. Còn ở chế độ Turbo 30W của ASUS thì khác, hmm, mình không chắc là máy sẽ còn hoạt động sau khi chơi hơn 1 giờ đâu nhé.
Cho dù là ai nhỉnh hơn ai cũng không quan trọng, mình vẫn hi vọng sau này các dòng máy PC Handheld phải có thời lượng pin ấn tượng hơn. Ít nhất vào tầm 3-4 tiếng như Nintendo Switch thì mới gọi là ổn. Nên mình không cho ai điểm nào ở mục này.
Yếu tố quan trọng nhất là mức giá
Rõ ràng cho đến hiện tại, mức giá của hai dòng máy mà chúng ta đang so sánh lại có sự chênh lệch. Steam Deck 512GB mới giá tại VN vào khoảng 16-17 triệu đồng, còn ASUS ROG Ally với chip Z1 Extreme có mức giá 18 triệu. Tuy nhiên, nếu xét về nhiều khía cạnh khác, ASUS lại có lợi thế hơn khi chiếc máy PC Handheld của họ nhỉnh hơn về nhiều mặt như mình đã phân tích, từ cấu hình, hiệu năng, cho đến màn hình, lại còn kèm theo chế độ bảo hành chính hãng 2 năm từ ASUS cũng như miễn phí 3 tháng gói Xbox Game Pass nữa chứ. Vậy nên, mức giá 18 triệu đồng ấy lại trở nên khá hấp dẫn cho những ai lần đầu muốn trải nghiệm PC Handheld.
Một điểm nữa cho ASUS ROG Ally và tổng tỉ số cuối cùng là 4:2 nghiêng về nhà ASUS.
Kết luận
ASUS ROG Ally chiến thắng và trở thành cái tên sáng giá nhất cho thị trường máy chơi game cầm tay hiện tại, nhưng cũng không thể phủ nhận những lợi ích mà bạn sẽ có được khi sở hữu Steam Deck. Nếu anh em là một người chơi mới, hãy tham khảo ASUS ROG Ally, còn nếu anh em đang sử dụng Steam Deck mà có ý định “đứng núi này trông núi nọ” thì mình khuyên là cũng không cần thiết, hãy tiếp tục vui vẻ với nó là được rồi.
Bên mình hiện đang có sẵn hàng ASUS ROG Ally hàng chính hãng ASUS Việt Nam bảo hành 2 năm. Hỗ trợ cài đặt và tư vấn tối ưu hiệu năng và pin cho máy nếu anh em có nhu cầu. Anh em có nhu cầu tham khảo dải sản phẩm bên dưới nhé. Rất cảm ơn anh em!
-
Sản phẩm đang giảm giáASUS ROG Ally X – Z1 Extreme / 24GB / UP SSD 4TB Like New – Hàng chính hãngGiá gốc là: 32.000.000 ₫.26.990.000 ₫Giá hiện tại là: 26.990.000 ₫.
-
Sản phẩm đang giảm giáSteam Deck OLED – 512GBGiá gốc là: 17.690.000 ₫.16.590.000 ₫Giá hiện tại là: 16.590.000 ₫.
-
Sản phẩm đang giảm giáSteam Deck OLED – 1TB (Màn chống lóa)Giá gốc là: 20.690.000 ₫.18.590.000 ₫Giá hiện tại là: 18.590.000 ₫.
-
Sản phẩm đang giảm giáMáy chơi game Steam Deck – 64GBGiá từ: 9.990.000 ₫